Người dân vùng khô hạn Ninh Thuận cần ổn định cuộc sống

1006

Khô hạn trong nhiều tháng ròng rã ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống của người dân. Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đang gấp rút thực hiện những biện pháp khắc phục.

Bản tin thời sự ngày 13/9: Người dân tỉnh Ninh Thuận đang phải trải qua những ngày khô hạn trầm trọng ngay trong mùa mưa. Yêu cầu được đặt ra hàng đầu ở địa phương này là không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu lương thực.

Hồ Sông Châu là nơi cuối cùng người chăn nuôi ở tỉnh Ninh Thuận tìm đến. Tuy nhiên, cùng với số nước ít ỏi còn lại ở dưới lòng hồ, nơi đây chỉ còn cỏ khô cháy. Đây là nguồn thức ăn cuối cùng của đàn gia súc và cũng là sinh kế cuối cùng của người dân trong vùng.

Trong những tháng qua, người dân ở đây đã không canh tác được gì. Các rẫy bắp đều bị khô cháy, người dân đành phải bỏ hoang trong nắng hạn. Trong 8 tháng qua, trời không có mưa ở xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, người dân không có cái ăn, cuộc sống của hơn 600 hộ dân trong xã rơi vào cảnh bấp bênh.

Cách khắc phục hạn hán cho người dân ở vùng Ninh Thuận
Cách khắc phục hạn hán cho người dân ở vùng Ninh Thuận

Hàng năm, lúc này đã vào mùa mưa, khô hạn thường chấm dứt, các hồ chứa bắt đầu tích nước. Tuy nhiên, năm nay 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chỉ còn 49 triệu m3 nước, không quá 1/4 dung tích thiết kế. Điều chưa từng xảy ra trong lịch sử là hồ Đơn Dương với dung tích thiết kế 165 triệu m3 nay lượng nước chỉ còn khoảng 8%. Trong khi đó, hồ Đơn Dương có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc cung cấp nước cho tỉnh Ninh Thuận.

Hàng loạt khó khăn tiếp tục phát sinh ở tỉnh Ninh Thuận sau nhiều tháng khô hạn dai dẳng. Điều đáng lo ngại nhất là nếu không có mưa tại khu vực các hồ chứa, tỉnh Ninh Thuận buộc phải ngừng sản xuất vụ mùa. Nếu thêm một vụ sản xuất nữa đất phải bỏ hoang, cuộc sống của người dân ở vùng khô hạn Ninh Thuận khó sẽ càng thêm khó.

Cùng với ưu tiên hàng đầu là giải quyết nước sinh hoạt, ổn định sinh kế cho người dân vùng khô hạn cũng được xác định là công việc trọng tâm lúc này ở tỉnh Ninh Thuận. Tại những vùng khó khăn của tỉnh này, tình trạng thiếu đói cục bộ đã bắt đầu xuất hiện.

Hiện hồ sông Trâu đã xuống thấp hơn mực nước chết, ảnh hưởng đến sản xuất và nguồn cung cấp nước sạch cho nhiều hộ dân. Do không có nguồn nước ngọt bền vững cung cấp nên dự án Khu du lịch Bình Tiên và một số công trình phát triển du lịch ven biển phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận cũng bị chậm tiến độ.

Để giải quyết tình trạng này, ngoài việc yêu cầu những đơn vị chuyên trách khảo sát để đào thêm ao hồ cho người dân, tỉnh Ninh Thuận cần xem xét cho Công ty Bình Tiên được thực hiện Dự án cấp nước ngọt suối Chà Là để đảm bảo nguồn nước.

Lượng nước ở 21 hồ chứa tại tỉnh Ninh Thuận hiện còn chưa quá 49 triệu m3, chỉ chiếm 1/4 dung tích thiết kế. Chỗ dựa lâu nay của tỉnh Ninh Thuận là nguồn nước từ hồ Đơn Dương cung cấp thông qua thủy điện Đa Nhim, nhưng hiện mực nước hồ đã sụt giảm chỉ còn 8% dung tích. Thực tế đặt ra yêu cầu khá bức bách là việc điều tiết nước ở tỉnh Ninh Thuận phải thực sự tiết kiệm và hợp lý, qua đó mới có thể đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân vùng khô hạn.