Mỗi khi trời mưa đặc biệt mùa mưa bão, gần 120 hộ dân sống quanh núi Thiên Văn lại nơm nớp lo sợ sạt núi xảy ra.
Tin thời sự – Núi Thiên Văn có lượng cây cối che phủ lớn. Tuy nhiên, đất đá ở đây chủ yếu là đá non ngậm nước, biến đổi khi mưa, nắng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở. Hiện, núi xuất hiện một số vết nứt chạy dài từ đỉnh núi xuống mặt đường, trượt dài gần chục mét. Sau những cơn mưa lớn, một lượng đất đỏ từ trên đồi, núi Thiên Văn theo dòng nước đổ xuống, ứ đọng tại các đường trục chính tại các khu dân cư. Người dân buộc phải đắp bờ ngăn đất núi và nước mưa không tràn vào nhà. Nhân viên môi trường đô thị đã phải rất vất vả, sử dụng cả xe ôtô tải để vận chuyển bùn đất chảy xuống.
Theo báo cáo của UBND quận Kiến An, nguy hiểm nhất là khu vực chân sườn phía Nam núi. Đây là nơi sinh sống của nhân dân tổ dân phố số 13, phường Trần Thành Ngọ và tổ dân phố Nam Sơn 3, Cận Sơn 1, Cận Sơn 2, phường Nam Sơn với địa hình mái ta luy dốc đứng, địa chất là đất núi và đá phong hóa có cường độ thấp, cố kết giữa các lớp rất kém ổn định. Do xói mòn nhiều năm, trên đỉnh núi và dọc sườn núi có nhiều tảng đá mồ côi lớn, nhỏ chênh vênh gây sạt lở đất và đá lăn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao về tính mạng và tài sản của nhân dân. Rất nhiều lần trong những cơn mưa bão kéo dài đã làm sạt lở, đất đá lăn sát vào chân tường nhà dân.
Do các hộ gia đình cần di chuyển chủ yếu là công nhân lao động đã về hưu và lao động nghèo với mức thu nhập thấp nên đề nghị UBND TP Hải Phòng cho các đối tượng này được nợ tiền sử dụng đất để các hộ tự lo kinh phí xây dựng nhà ở.
Theo goccuocsong, tình trạng sạt lở núi Thiên Văn đang diễn ra với tần suất năm sau nhiều hơn năm trước và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Theo các cán bộ Phòng Kinh tế quận Kiến An, 6 năm trở lại đây, núi Thiên Văn xảy ra tổng cộng 20 vụ sạt lở lớn nhỏ, riêng năm 2018 đã xảy ra 11 vụ. Biến đổi khí hậu gây mưa nhiều cộng với quá trình phong hóa diễn ra nhanh đã khiến nhiều khu vực sườn núi dù được xây kè chắc chắn vẫn xảy ra sạt lở. Núi Thiên Văn có cấu tạo địa chất của vùng trung du với đồng bằng xen đồi.
Trước tình trạng sạt lở núi, quận Kiến An đã khảo sát, lập sơ đồ hiện trạng các hộ trong diện cần di dời khẩn cấp. Thành phố cũng đã về kiểm tra và nhất trí phương án di dân, nhưng chưa thể thực hiện ngay vì còn phải chờ kinh phí.