Góc cuộc sống cho biết, dù dính phải kim tiêm dính máu của nữ quái ma túy nhiễm HIV, nữ trinh sát T vẫn quyết không uống thuốc chống phơi nhiễm vì lý do vô cùng cảm động.
10 năm trước, thiếu tá T (từng là trinh sát điều tra tội phạm ma túy, nay là lãnh đạo tại một đơn vị thuộc Công an TP Thái Bình) đã dính phải kim tiêm của một đối tượng bị nhiễm HIV. Dù rất lo nhưng chị T vẫn quyết định không sử dụng thuốc chống phơi nhiễm HIV.
Trong cuộc chiến phòng, chống tội phạm, nhiều chiến sĩ công an đối mặt với nguy cơ bị phơi nhiễm HIV (ảnh minh họa).
Chia sẻ về câu chuyện 10 năm về trước, thiếu tá T vẫn nhớ như in tên “nữ quái” bán ma túy mang trong mình “căn bệnh thế kỷ”, đó là Lê Thị Lan.
Thiếu tá T cho biết: Vào năm 2005, chị được giao nhiệm vụ tham gia vào chuyên án ngăn chặn hoạt động buôn ma túy của đối tượng Lê Thị Lan ở Tp Thái Bình. Lan là đối tượng buôn ma túy trái phép để trục lợi.
Theo tin phóng sự, khi cùng đồng đội bắt giữ Lan, chị T là người áp sát khống chế “nữ quái”. Nghi ngờ Lan để ma túy trong túi quần, nên nữ cảnh sát đã thọc tay vào kiểm tra.
Vừa đưa tay vào túi quần Lan, chị T thấy tay mình nhói đau. Với kinh nghiệm nhiều năm đối mặt với tội phạm ma túy, chị T biết mình đã dính kim tiêm để chổng ngược trong túi quần của Lan.
Dù rất lo nhưng chị T vẫn rất bình tĩnh khống chế được đối tượng dẫn về cơ quan điều tra. Sau đó khi thấy kết quả xét nghiệm Lê Thị Lan bị nhiễm HIV, nữ trinh sát dường như chết lặng.
“Khi đó tôi đang mang bầu cháu trai đầu lòng được 2 tháng, nên rất hoang mang, lo lắng khi biết Lan bị HIV. Tôi lo nếu tôi uống thuốc chống phơi nhiễm thì con sẽ bị ảnh hưởng”, thiếu tá T nhớ lại.
Nữ trinh sát có 72 giờ để đưa ra lựa chọn. Cuối cùng, chị T đã quyết định không uống thuốc chống phơi nhiễm.
“Tôi giấu tất cả mọi người trong gia đình, vì sợ họ lo lắng. Tôi cũng không báo cáo lãnh đạo, vì sợ khi anh em biết sẽ nhụt chí. Việc tôi bị dính kim tiêm chỉ có một số anh em trong đội ma túy biết. Suốt thời gian mang thai, tôi luôn thấp thỏm, lo lắng, nhất là những lần xét nghiệm máu. Lúc đó, tôi chỉ cầu mong con mình bình yên, khỏe mạnh”, thiếu tá T kể lại.
May mắn là nữ trinh sát cùng con trai của mình đã không dính phải loại virus chết người này.
“Khi đó có đồng đội khuyên tôi đi xét nghiệm và tiêm thuốc chống phơi nhiễm, nhưng tôi quyết định không tiêm vì lo lắng nó sẽ ảnh hưởng tới con. May mắn, tôi và cháu đều không sao. Cháu nay đã được 10 tuổi và khỏe mạnh”, chị T hạnh phúc chia sẻ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trao đổi với PV, đại tá Nguyễn Đình Trung, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình đánh giá, thiếu tá T là chiến sĩ mưu trí và quả cảm. Rất nhiều tội phạm đã sa lưới pháp luật dưới bàn tay của cựu trinh sát ma túy này. Trong cương vị lãnh đạo, thiếu tá T lập nhiều thành tích, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn quản lý. Chị T là nữ chiến sĩ công an tiêu biểu của TP.Thái Bình.
Cùng chia sẻ về công tác phòng chống tội phạm, trong đó có đối tượng bị HIV, đại tá Chung cho hay, lực lượng công an đã phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Do đó, trước khi hành động, cơ quan điều tra luôn chuẩn bị kế hoạch tác chiến, đưa ra nhiều phương án chặt chẽ đảm bảo bắt gọn đối tượng cũng như phải đảm bảo an toàn cho các cán bộ chiến sĩ và chính đối tượng. Tuy vậy có nhiều trương hợp họ không biết đối tượng bị nhiễm HIV.
“Khi bị cơ quan điều tra truy bắt, không ít đối tượng bị nhiễm HIV cố tình chống trả lực lượng công an nhằm tẩu thoát. Một số cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thái Bình đã bị phơi nhiễm HIV. Do được điều trị kịp thời nên Công an tỉnh Thái Bình chưa có cán bộ, chiến sĩ nào bị nhiễm HIV.
“Tuy nhiên, những chiến sĩ bị phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ bị tổn thương rất lớn về tinh thần. Bản thân chiến sĩ lo lắng khi đối mặt với nguy cơ lây nhiễm căn bệnh thế kỷ. Bên cạnh đó, gia đình họ cũng hoang mang, lo lắng. Đối với những trường hợp như vậy, ngoài việc hỗ trợ điều trị tránh lây nhiễm cho các chiến sĩ, chúng tôi phải động viên tinh thần các chiến sĩ và người thân của họ”, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình chia sẻ