Cơn bão số 3 di chuyển rất nhanh, cường độ tương đối mạnh, đi qua vịnh Bắc Bộ là khu vực có nhiều tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản và du lịch.
Bản tin thời sự ngày hôm nay: Dự báo, trong sáng 18/7, bão số 3 sẽ vượt qua đảo Hải Nam – Trung Quốc và đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 8, giật cấp 10. Sau đó, bão tiếp tục đi rất nhanh với vận tốc 25 – 35 km/h, từ buổi chiều đến tối 18/7 vùng tâm bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào khu vực Hải Phòng đến Hà Tĩnh. Như vậy, từ trưa 18/7, khả năng vùng đất liền ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6 – 7, vùng gần tâm bão đi qua đạt cấp 8, giật cấp 10.
Mưa lớn kéo dài, lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ lên nhanh, đỉnh lũ từ báo động 1 – báo động 2. Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi khu vực Thanh Hóa đến Quảng Bình, đề phòng ngập úng ở các vùng trũng và đô thị từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.
Ở tỉnh Quảng Bình, trong ngày 18/7 và hai ngày tới sẽ có những cơn mưa nặng hạt. Cảnh báo mưa dồn dập có thể gây ngập úng cục bộ. Không khí tại đây sẽ mát mẻ, nhiệt độ vào buổi trưa không quá 30oC.
Trong khi đó, tỉnh Bình Định nằm xa vùng ảnh hưởng của bão nên trời ít mưa hơn, mưa khả năng chỉ xảy ra về chiều tối, lượng không lớn và dứt nhanh. Ban ngày trời có nắng mây đan xen, nhiệt độ ở mức vừa phải, cao nhất trong ngày 18/7 và 2 ngày tới khoảng 32 – 33oC, về tối và đêm mát mẻ hơn, thấp nhất 26 – 27oC.
Tại khu vực Tây Nguyên, gió mùa Tây Nam tiếp tục đẩy ẩm vào đất liền gây mưa trên diện rộng. Mưa nhiều tập trung từ chiều đến đêm, cục bộ có mưa to tiềm ẩn dông lốc, sấm sét, gió giật mạnh. Vào buổi sáng trời nhiều mây, có mưa rào nhẹ, nhiệt độ cao nhất ở các thành phố Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột phổ biến dưới 30oC.
Những cơn mưa cũng tiếp nối ở tỉnh Kon Tum trong cả hai ngày tới. Trong khoảng thời gian từ 14h – 19h, trời mưa nặng hạt, trong cơn dông rất dễ kèm theo gió mạnh. Nhiệt độ đều không quá 27oC, thậm chí vào buổi tối và đêm trời chuyển se lạnh, thấp nhất chỉ 22oC.
Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT), Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) vừa có công điện gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh.
Đồng thời gửi tới các Bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương, Xây dựng, Ngoại giao, Văn hóa, thể thao và du lịch; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Than khoáng sản; Tập đoàn Bưu chính viễn thông.
Trong đó tập trung kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền trú tránh bão; quản lý chặt chẽ việc ra khơi, đặc biệt đối với các tàu du lịch; neo đậu tàu thuyền, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản; kiên quyết không để người dân ở lại trên các tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ. Tùy theo diễn biến bão, các địa phương chủ động cấm biển. Triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt đối với các công trình đang thi công, các sự cố đã xảy ra năm 2017.
Bên cạnh đó, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có có nguy cơ sạt lở đất, nguy cơ xảy ra lũ quét đến nơi an toàn; kiên quyết thực hiện sơ tán di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm, đặc biệt là những nơi bão có khả năng đổ bộ và phải hoàn thành trước 17h00 ngày 18/7/2018… Bộ Ngoại giao có công hàm gửi Đại sứ quán các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài đề nghị tạo điều kiện cho ngư dân Việt Nam trú, tránh bão và hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo TW PCTT và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.